Nhiều người trong số chúng ta đang sống trong một xã hội chia sẻ, ít nhất là chia sẻ thông tin dù thông tin vẫn còn rất mất đối xứng. Nhận định này có căn cứ vì thống kê cho thấy có 3 tỉ người, nghĩa là 40% dân số thế giới, đang sử dụng mạng xã hội.
Theo một điều tra năm ngoái, người Việt dùng mạng xã hội chủ yếu để thông tin về bạn bè/gia đình/bản thân, theo dõi tin tức/xu hướng/người nổi tiếng, hoặc mua sắm. Một số người còn dùng các mạng này nhằm đưa ra cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm tàng cho cộng đồng. Chẳng hạn như trên tài khoản Facebook của một số người, gần đây nổi lên cảnh báo về loại tội phạm mới sử dụng kim tiêm để cướp tài sản, hay người đi đường ở nơi công cộng bỗng giẫm phải kim được gài trước không biết vì lý do gì.
Phải nói rằng chỉ trừ một số trường hợp người đưa tin có chủ đích không tốt như “câu view” hay tạo chú ý đến cá nhân, còn việc chia sẻ chân thực mang tính cảnh báo cho cộng đồng là cần thiết, hoặc chí ít không phải là không có ích với một số người. Tuy nhiên, có lẽ cũng nên nghĩ đến các quy tắc cần lưu ý cho cả người dùng mạng cũng như các cơ quan hữu quan nhằm giảm bớt mặt trái của hiện tượng tràn ngập thông tin, thật giả lẫn lộn, trong thế giới ảo.
Năm ngoái, một bài báo trên BBC trích dẫn nghiên cứu của Đại học California phân tích nội dung cảm xúc hơn một tỉ trạng thái của 100 triệu người dùng Facebook từ năm 2009-2012. Bài báo viết tâm trạng tốt hay xấu đều có thể lan tỏa trên mạng xã hội.
Điều đáng lo là một post (bài đăng) với trạng thái tiêu cực từ một người ở một thành phố đang mưa tác động đến 1,3 post tiêu cực của bạn bè họ ở một thành phố khác đang khô ráo. Nói cách khác, sự lan tỏa tâm trạng tiêu cực trên mạng xã hội là rất đáng lưu tâm.
Thiển nghĩ, điều này có thể chấp nhận được nếu một tin tiêu cực trên mạng xã hội là có thực, lợi ích mang đến lớn hơn tác động tiêu cực lên tâm trạng của người dùng. Tuy nhiên, nếu một thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng lại xuất hiện vội vã trên mạng xã hội là điều hoàn toàn khác vì nó có thể gây ra suy nghĩ tiêu cực lên nhiều người, thậm chí vẽ nên một bức tranh xã hội u ám.
Như phân tích ở trên, một post tiêu cực làm lan tỏa tâm trạng tiêu cực trên mạng, qua đó tác động lên xã hội. Vì thế, trước khi post các câu chuyện cảnh giác, người đăng cần làm mọi cách để kiểm chứng tính xác thực của thông tin. Trong trường hợp chưa biết thông tin có chính xác hay không mà vẫn cần đăng để giúp cộng đồng đề phòng một nguy cơ hiện hữu, cấp bách liên quan trực tiếp đến tính mệnh, sức khỏe, tài sản của họ, người đăng cần nêu rõ rằng những điều mình đăng chỉ ở dạng lưu ý, chưa được kiểm chứng và kêu gọi cộng đồng mạng góp sức làm rõ thêm thông tin liên quan.
Mặt khác, sau một thời gian, khi hiện tượng đã được cảnh báo không thấy xuất hiện hay khi biết hiện tượng đó không thực sự xảy ra, người đăng cần thông báo trên mạng để mọi người cùng rõ. Đó cũng là điều cần làm để giúp chúng ta cất bớt một nỗi lo không cần thiết trong cuộc đời vốn đã có rất nhiều nỗi lo.
Ngược lại, về phần mình, các cơ quan công quyền liên quan cũng không thể vô can trong vấn đề này. Khi mạng xã hội rộ lên thông tin liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thiết thân với người dân hay có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc sức khỏe của họ, người có thẩm quyền cần làm rõ, điều tra và thông báo tính xác thực của thông tin đó đến công chúng qua các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian ngắn nhất.
Nếu cơ quan công quyền đã từng nhanh chóng bác bỏ thông tin sai sự thật trên mạng về một lãnh đạo nào đó, thì khó có lý do gì lại không phản ứng trước thông tin tiêu cực có thể ảnh hưởng đến sự an nguy của người dân. Nếu kết quả điều tra cho thấy người thông tin trên mạng là đúng, người đăng đáng được khen thưởng; ngược lại, họ có thể bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Cuối cùng, vì chúng ta đang sống trong một xã hội chia sẻ, hãy nhấn nút share (chia sẻ) một cách có trách nhiệm.
Quỳnh Thư