Việc sử dụng các cuốn sách ảnh (picture book) để dạy trẻ em cách thức đối phó với thiên tai đã trở nên phổ biến tại Nhật Bản. Phương pháp giáo dục này mang lại sự chủ động cũng như chuẩn bị trước tâm lý cho trẻ em – đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất – khi có sự cố. Cùng Tẹt Rắm xem người Nhật mang đến chất lượng giáo dục như thế nào cho trẻ em tại xứ sở hoa anh đào này nhé.
“Các con sẽ làm gì nếu một trận động đất xảy ra khi các con đang ngủ hoặc đang ăn?”. Vừa nhìn vào hình minh họa trong cuốn sách ảnh, những đứa trẻ vừa hô to câu trả lời: “Bảo vệ đầu bằng một cái gối”, “Nấp dưới bàn và nắm chặt chân bàn”…
Đây là buổi học tại ngôi trường mẫu giáo ở Akatsuka, Itabashi Ward, Tokyo với sự tham gia của khoảng 100 đứa trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 5. Theo đó, nội dung bài học nằm trong một cuốn sách được Zenrosai, Liên đoàn bảo vệ người lao động và người tiêu dùng quốc gia, thiết kế dành riêng cho trẻ mẫu giáo với những hình ảnh minh họa cơ chế hoạt động của một trận động đất cũng như việc cần làm dưới định dạng hỏi – đáp.
Zenrosai thường xuyên thực hiện các bài dạy như thế này tại nhiều trường mẫu giáo trên toàn quốc từ tháng 5/2015 với hàng ngàn trẻ em tham dự.
Theo Sonoko Isozaki – Giám đốc bộ phận biên tập của Tập đoàn sách EhonNavi Corp, nội dung các cuốn sách tập trung vào mô tả nguyên nhân, hậu quả và cách đối phó với các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, núi lửa, bão… Việc bổ sung kiến thức cho trẻ em thông qua tranh ảnh sẽ mở rộng trí tưởng tượng và giúp chúng có thể hình thành sẵn trong đầu những phản ứng thích hợp trong trường hợp khẩn cấp.
Năm 2011, thảm họa động đất sóng thần đã nhấn chìm toàn bộ ngôi trường mẫu giáo Nodamura trong làng Noda, Iwate Prefecture nhưng toàn bộ khoảng 90 đứa trẻ đều an toàn khi trước đó đã kịp đi đến khu vực cao hơn, nhờ vào những buổi học sơ tán được tổ chức thường xuyên.
“Thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu”, Isozaki nói, “Cho nên, việc chuẩn bị tâm lý sẵn sàng là vô cùng cần thiết để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất”.
Ngoài ra, đây cũng là cách mà người Nhật sử dụng trong việc chữa lành vết thương tâm lý của những trẻ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trung tâm Kodomo Hattatsu Shien của thành phố Kumamoto, một cơ sở hỗ trợ phát triển trẻ khuyết tật, đã xuất bản cuốn sách ảnh có tựa đề “Yappari Ouchi ga Iina” (Sau tất cả, nhà là nơi tốt nhất) vào tháng 5/2016 với nỗ lực giải quyết hậu quả của trận động đất hồi tháng 4/2016 ở Kumamoto khi nhận thấy hàng loạt nỗi lo lắng của phụ huynh: “Con tôi quá sợ hãi và nhất định không vào nhà” hay “Con tôi thường khóc vì sợ hãi vào ban đêm”…
Nội dung cuốn sách ảnh tập trung vào một cậu bé 5 tuổi trở về nhà sau 2 tuần sống trong một chiếc xe hơi và mô tả cuộc sống của gia đình cậu sau đó. “Cuốn sách góp phần mang lại nhận thức cho bọn trẻ thông qua việc hình dung những gì sẽ diễn ra tiếp theo và do đó phụ huynh có thể dễ dàng thỏa thuận với con cái mình”, đại diện Trung tâm cho biết.
Giáo sư văn học thanh thiếu niên tại Đại học Bách khoa Tokyo – Kei Suyama cho biết trẻ em có thể dễ dàng đối mặt với thảm họa nhờ vào những kiến thức và trí tưởng tượng phong phú được xây dựng thông qua các cuốn truyện tranh. Đó cũng là lý do tại sao những cuốn sách như thế này đang ngày càng phổ biến tại đất nước Mặt trời mọc.