Sáng 6.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An), những vướng mắc, bất cập trong tổ chức bộ máy của đại học vẫn chưa được giải quyết ở dự thảo sửa luật luật lần này.
Luật và thực tiễn chưa gặp nhau
Theo đó, mô hình đại học vùng được thành lập với 3 mục tiêu chính: giảm đầu mối quản lý và biên chế, dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất, tập trung đầu tư xây dựng đại học thành đại học mạnh. Đây là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, trong 24 năm qua các mục tiêu trên đã không đạt được.
Nguyên nhân do việc quy định trong đại học có các trường đại học khác làm cho cả bộ máy đại học chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả trong điều hành. Đại học trở thành cấp trung gian và phải hoàn thiện mô hình đại học quốc gia, đại học vùng.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, việc phân cấp như hiện tại không tận dụng đầy đủ lợi thế khiến cho tài năng, tri thức, năng lực hiện đang bị phân tán. Ngân hàng thế giới góp ý nên sắp xếp lại các trường đại học thành viên nằm trong đại học, thống nhất một bộ máy tổ chức để phát triển thành một đại học đa lĩnh vực, tiến tới đào tạo và công nhận quốc tế.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho hay việc tự chủ trước đây đã thí điểm, năm 2012 đã có luật, nhưng từ lý luận đến thực tiễn dường như chưa gặp nhau.
Theo luật có 3 tự chủ: Tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và tự chủ nhân sự. Trường cần nhất là tự chủ tài chính. Thời gian qua, cho tự chủ nhưng khống chế trần học phí, chính vì vậy một số trường rất khó tự chủ.
Do vậy, ông Tuấn đề nghị 3 mặt tự chủ. Trong đó, tự chủ học thuật là mục tiêu phát triển, tự chủ tài chính là động lực phát triển, tự chủ nhân sự là nền tảng phát triển của nhà trường.
“Tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi mà nhà nước có đầu tư rồi rút ra dần dần, giống như bầu sữa mẹ, tùy theo thể trạng của từng đứa con mà cho cai sữa, từ từ rút ra một phần hoặc coi thể trạng để tiếp tục đầu tư”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, vừa qua ta thí điểm cho một số trường được tự chủ về tài chính rồi nâng học phí dịch vụ lên, nhiều cử tri than phiền giá học phí là quá cao.
Đào tạo ngành y cần đặc thù
ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề cập đến quy định đối với đào tạo nhân lực y tế. Theo đó, khoản 1 Điều 6 quy định “Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học quy định tại luật này bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sỹ và trình độ tiến sỹ”.
Tuy nhiên, bà Yến cho rằng nghề y là nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt để trở thành người bác sỹ hành nghề chuyên môn sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo 6 năm ở trường đại học.
Chương trình đào tạo bác sỹ cũng phức tạp hơn các chương trình cử nhân 4 năm, với thời gian đào tạo dài hơn từ 1 đến 2 năm. Sau đào tạo đại học là đào tạo chuyên khoa sâu, có bác sỹ chuyên khoa 1, bác sỹ chuyên khoa 2 và bác sỹ nội trú.
“Những đối tượng này không thể hòa cùng với trình độ và văn bằng là cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ được, nhưng trình độ và văn bằng chuyên sâu chưa được quy định trong Luật Giáo dục đại học trình lần này”, bà Yến nêu.
Cũng theo đại biểu này, quy định như khoản 1 Điều 6 cũng không nhất quán và đồng bộ. Bởi vì Điều 73 quy định giao cho Chính phủ quy định trình độ tương đương, nhưng ở khoản 1 Điều 6 lại không có. Chính phủ sẽ căn cứ vào đâu, vào cơ sở pháp lý nào để Chính phủ quy định?
“Chương trình đào tạo bác sỹ chuyên sâu như bác sỹ chuyên khoa 1, bác sỹ chuyên khoa 2 và bác sỹ nội trú là tương đương với chương trình đào tạo nào và tương đương với văn bằng nào. Do đó, cần phải có quy định cụ thể riêng đối với đào tạo nhân lực y tế”, bà Yến nói.
Đại biểu này đề nghị bổ sung và sửa khoản 1 Điều 6 thành: “Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học quy định tại luật này bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ, trình độ chuyên gia. Chính phủ quy định trình độ chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng chuyên sâu đặc thù”.
Hội đồng trường chưa thực quyền
Theo ĐB Huỳnh Thành Đạt, hội đồng trường là một định chế tiên quyết để thực hiện thành công chủ trương tự chủ đại học, là sự đòi hỏi bức thiết với giáo dục đại học nước nhà.
Trước đây, khi triển khai chủ trương thành lập hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học đã gặp nhiều khó khăn và vướng mắc về quan hệ giữa hội đồng trường và Đảng ủy của trường.
Do đó, đại biểu này cho rằng quy định “trường hợp thành viên bên ngoài trường trúng cử Chủ tịch Hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường” là không cần thiết và rất khó khả thi.
Đối với hệ thống cơ sở giáo dục đại học tư thục, nên gọi tổ chức quản trị của trường là hội đồng trường, thay cho tên gọi hội đồng quản trị. Việc gọi tên như trên phù hợp với thông lệ quốc tế, với ngôn ngữ giáo dục, đồng thời thể hiện quan điểm không phân biệt hệ thống giáo dục đại học công lập và tư thục.
Theo ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), trong thời gian qua, hội đồng trường hoạt động còn hình thức, chưa thực quyền do vẫn còn duy trì cơ quan chủ quản. Những quyền hạn của cơ quan chủ quản chuyển giao cho một tập thể, cụ thể là hội đồng trường chứ không nên trao cho cá nhân hiệu trưởng.
“Hiệu trưởng và bộ máy của hiệu trưởng điều hành hành chính, thực hiện chủ trương, định hướng của hội đồng trường và chịu sự giám sát của hội đồng trường, xã hội, tập thể giáo viên và người học”, ĐB Giang nói.
Nguồn: motthegioi.vn