Không những khiến phụ huynh hoang mang với cách đánh vần lạ lùng, nội dung trong sách giáo khoa “Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục” cũng có nhiều nội dung được cho là không phù hợp, vậy sự bất cập trong sách giáo khoa này nằm ở chỗ nào?
Phụ huynh hoang mang với nhiều nội dung trong sách giáo khoa “Tiếng Việt công nghệ giáo dục”. Chẳng hạn, trong bài học về vần “eo” và “oeo”, có trích dẫn đoạn:
Mèo kêu ngoao ngoao
Ngoáo ộp dọa trẻ
Rẽ quẹo sang trái.
Ốm đau quặt quẹo
Bé ngoẹo đầu ngủ
Góc vở quăn queo.
Và minh họa bằng hình ảnh: quả quéo và chỗ quẹo.
Nhiều phụ huynh phản ánh: quả quéo là quả gì, phổ biến cho cả 3 miền hay sao mà dạy cho học sinh.
Trong bài học về vần “oanh/oạch”; “hoạch/quạch”, trong nội dung minh họa bằng bài: “Vẽ gì khó?” với nội dung:
Họa sĩ Hoành vẽ ở đâu, các bạn nhỏ vây quanh ở đấy.
Bác à, vẽ gì khó ạ ?
Vẽ chó, vẽ trâu khó.
Vẽ gì dễ ạ ?
Vẽ ma quỷ.
Sao lại thế ạ ?
Chó, trâu quanh năm ngày tháng ai chẳng thấy, vẽ sai bị chê ngay. Ma quỷ đã ai thấy bao giờ. Thích thế nào thì vẽ thế ấy, ai dám hoạnh họe.
Nhiều phụ huynh cho rằng sao không có ví dụ nào tốt hơn mà phải dùng đến dẫn chứng vẽ ma quỷ trong một bài học cho học sinh lớp 1. Như vậy có tính giáo dục hay không?
Những nội dung này được dạy trong cuốn “Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1” (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành). Hiện tại, chương trình phổ thông có 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, một cuốn khác là “Tiếng Việt lớp 1” (gọi là bộ sách hiện hành).
Được biết, đây là bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng từ những năm 1986. GS Hồ Ngọc Đại là cha đẻ của hệ thống trường thực nghiệm nổi tiếng tại Hà Nội. Năm 1986, bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ra đời. Trong năm 2013, Bộ GD-ĐT có quyết định cho phép cuốn Tiếng Việt lớp 1 của ông được áp dụng đại trà.