Nếu bạn cảm thấy hơi lười biếng khi phải đi học, đi làm vào mấy ngày đầu tuần thì hãy nghĩ lại đi. Ít nhất, bạn không phải chào ngày mới ở Nam Cực!
Nam Cực còn có tên gọi khác là Sao Hỏa Trắng vì điều kiện sống ở đây quá khắc nghiệt. Dẫu vậy, bên cạnh các loài sinh vật bản địa được thiên nhiên “chỉ điểm” cho sống ở đây, con người cũng muốn chinh phục vùng đất này.
Ví dụ như có 1 cơ sở nghiên cứu vẫn hoạt động bền bỉ từ năm 2005 – trạm năng lượng mặt trời Concordia do Pháp và Ý thành lập. Vào lúc này, ước tính có khoảng 60 người đang làm việc tại Concordia. Hãy xem họ đã sống như thế nào nhé, ít nhất có 6 điều vô cùng đặc biệt mà chỉ thấy ở Nam Cực!
1. Lạnh đến vi khuẩn cũng run
Nhiệt độ trung bình của Nam Cực là -50 độ C, xuống thấp nhất là -80 độ C. Điều kiện như vậy khiến nhiều loài vi khuẩn cũng không sống nổi.
Còn các nhà khoa học, kĩ sư ở Nam Cực, họ phải mặc nhiều lớp áo, đi giày chuyên dụng, đeo găng tay và kính. Trọng lượng của bộ đồ nặng không kém gì đồ phi hành gia, chứng minh cái tên “Sao Hỏa Trắng” đặt cho Nam Cực không hề sai!
2. Xung quanh trắng xóa và không mùi
Tương tự với sa mạc khắp 4 bề là cát, ở Nam Cực mọi phía đều trắng xóa, khiến việc xác định phương hướng rất khó khăn. Chuyện đi lòng vòng không lối ra, hay phải dựng lều trú ẩn khi có bão tuyết từ lâu đã không còn lạ gì.
Hơn nữa, trạm nghiên cứu Concordia và nhiều điểm khác ở Nam Cực nằm trên độ cao 3.000m so với mặt nước biển, nên có không khí loãng và lượng oxy thấp. Hầu như mọi người không thể ngửi thấy mùi gì cả.
Vì vậy, trên chuyến bay trở về quê nhà, nhiều khoa học gia đã xúc động vì rất lâu rồi họ mới được ngửi những mùi hương quen thuộc!
3. Ở Nam Cực, nhiều khi chẳng biết là ngày hay đêm
Vào mùa đông, mặt trời không bao giờ lên cao khiến mọi thứ chìm trong tối tăm suốt 4 tháng liền. Vào mùa hè, mặt trời không bao giờ lặn.
Do vậy, nhịp độ sinh học của con người bị đảo lộn hoàn toàn. Việc “ăn không ngon, ngủ không yên” thường xuyên xảy ra.
Tuy vậy, có 1 niềm vui gọi là đón ánh mặt trời đầu tiên! Sau 4 tháng mùa đông, mọi người sẽ dừng hết mọi việc lại, chỉ để trèo lên nóc nhà và xem mặt trời lần đầu “tái xuất” sau quãng thời gian ngủ vùi.
4. Siêu thị cách xa 4.000 cây số
Mà đó là siêu thị gần nhất tính từ trạm nghiên cứu Concordia đấy. Vì vậy, mọi thứ ở trạm nghiên cứu đều phải dự trữ sẵn, gồm thịt cá trứng sữa và rau củ quả. Các thực phẩm được cho đông lạnh, trứng thì bọc trong sáp.
Và bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi 1 trong những món đồ trên cạn kiệt? Nhà nghiên cứu sông băng đến từ Nga – Alexey Akaikin, từng kể rằng: “Hôm nay mọi người nhận được tin Concordia đã hết sạch sữa tươi! Thế là đành dùng sữa bột cho đến khi nào được tiếp tế thôi”.
5. Cấm đi tiểu trong lúc tắm
Nước sạch ở Corcodia làm từ tuyết, và tốn rất nhiều nhiên liệu để tan chảy tuyết. Do đó mọi người ở đây luôn ý thức tiết kiệm nước. Họ cố không đi tiểu trong lúc tắm, để sau đó nước sẽ được làm sạch và tái sử dụng.
Nếu hệ thống xử lý phát hiện nồng độ amoniac tăng cao, nhân viên bảo trì sẽ thông báo điều này trong cuộc họp chung.
6. Sau tất cả, mọi người không chỉ làm việc mà còn cùng nhau chia sẻ cuộc sống
Do công việc chuyên môn ở Corcodia khá đa dạng nên khi rảnh rỗi, mọi người cũng giới thiệu, chia sẻ cho nhau. Họ có thể dẫn bạn tham quan phòng thí nghiệm của mình, hoặc cùng nhau chơi bóng rổ trên băng, hay khiêu vũ và hòa mình vào tiệc ngủ!
Vào cuối tuần, các giáo sư, nhà khoa học lại gọi điện cho bạn bè, gia đình, người thân và cả học trò của họ qua Skype. Lúc đó sẽ xuất hiện đủ mọi ngôn ngữ như Đức, Pháp, Ý, Anh và Nga. Và do những cư dân tại Corcodia đến từ nhiều nước như thế nên họ cũng nấu đủ mọi món ăn luôn!
Một người từng làm việc ở Nam Cực – giáo sư Jenny Baeseman nói rằng: “Chúng tôi cảm thấy hào hứng và may mắn khi có mặt ở đây. Trạm nghiên cứu ở Nam Cực giống như một hầm mỏ xa xôi vậy. Nó không phải là ngôi nhà vĩnh cửu của ai hết. Vì thế nó là ngôi nhà của tất cả mọi người”.
Dù với nhiều chuyên môn khác nhau nhưng tất cả những người làm việc ở Nam Cực đều quyết tâm phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Họ yêu công việc và cuộc sống của mình, bất chấp điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Thật thú vị và đáng học hỏi quá phải không?
(Theo Brightside, Howstuffworks)