Lợi ích của việc nghe nhạc không chỉ giúp bạn thư giãn mà còn có thể kiểm soát cơn thèm ăn, cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngăn ngừa chứng trầm cảm, xoa dịu cảm giác đau… Nếu không nghe nhạc mỗi ngày, bạn đã bỏ lỡ rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe đấy!
Nghệ thuật nói chung hay âm nhạc nói riêng đều chứa đựng nhiều thông điệp và mang đến nhiều lợi ích tốt đẹp cho sức khỏe. Sau đây là 10 lợi ich của âm nhạc bạn nên biết nhé :
1. Âm nhạc mang lại niềm vui
Bạn không hát khi hạnh phúc mà chính việc hát giúp hạnh phúc. Thật vậy, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng lợi ích của việc nghe nhạc là giúp bộ não giải phóng dopamine, một dạng dẫn truyền thần kinh giúp bạn hạnh phúc.
Valorie Salimpoor, nhà thần kinh học tại trường Đại hoc McGill , Mỹ, đã thực hiện nghiên cứu bằng cách quét PET những người tham gia sau khi nghe nhạc. Kết quả cho thấy những người này có một lượng dopamine, một hormone hạnh phúc, được giải phóng.
Khi muốn cải thiện tâm trạng, bạn hãy lắng nghe bản nhạc yêu thích trong vòng 15 phút. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhờ lợi ích của việc nghe nhạc.
(xem thêm : https://www.tetram.net/suc-khoe/7-loi-ich-khi-ban-tap-duc-duoi-nuoc)
2. Âm nhạc giúp giảm căng thẳng
Âm nhạc là liều thuốc chữa bệnh rất hữu hiệu mà lại không mang bất cứ rào cản về ngôn ngữ hay văn hóa nào. Thói quen nghe những bài hát yêu thích sẽ giúp bạn giảm hormone gây căng thẳng trong cơ thể và những triệu chứng căng thẳng mạn tính. Đây là một phát hiện quan trọng vì căng thẳng chiếm 60% nguyên nhân gây các loại bệnh.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc tham gia sáng tác hay chơi nhạc cụ sẽ thúc đẩy hệ miễn dịch phát triển hơn so với việc ngồi yên lắng nghe nhạc.
Ngay cả việc nghe nhạc trên radio, hát và nhịp chân theo điệu nhạc sau giờ làm cũng giúp cơ thể bạn thư giãn rất tốt rồi đấy.
3. Lợi ích của việc nghe nhạc với giấc ngủ
Mất ngủ là một bệnh khá phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Nếu bạn cũng nằm trong trường hợp này thì âm nhạc có thể giúp ích đấy.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người có thói quen nghe nhạc cổ điển 45 phút trước khi ngủ sẽ ngủ ngon hơn những người nghe sách nói hoặc không nghe gì.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn hãy thử nghe vài điệu nhạc không lời có âm hưởng nhẹ nhàng như Bach hay Mozart sẽ cảm thấy dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
4. Âm nhạc ngăn ngừa bệnh trầm cảm
Hiện nay có hơn 350 triệu người trên thế giới mắc bệnh trầm cảm, 90% trong số đó thường bị mất ngủ. Một tin đáng mừng là một nghiên cứu về giấc ngủ cho thấy những triệu chứng trầm cảm giảm đáng kể đối với những người nghe nhạc cổ điển trước khi ngủ.
Một nghiên cứu khác của Hans Joachim Trappe ở Đức đã cho thấy âm nhạc mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị trầm cảm, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào loại nhạc.
Khi bạn xuống tinh thần, nhạc cổ điển và nhạc nhẹ có thể giúp cải thiện cảm xúc. Hãy hạn chế nghe nhạc mạnh hay nhạc EDM để tránh cảm thấy mệt mỏi hơn.
5. Âm nhạc giúp bạn kiểm soát cơn thèm ăn
Lợi ích của âm nhạc không chỉ ở tâm lý mà còn về mặt thể chất nữa. Cụ thể là âm nhạc có tác động tới cách bạn ăn uống và từ đó ảnh hưởng tới vóc dáng và sức khỏe của bạn .
Một nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ Georgia, Mỹ, cho thấy con người sẽ cảm thấy thoải mái, ít tiêu thụ calo và chú ý vào bữa ăn hơn khi ngồi trong một không gian có ánh sáng nhẹ và âm nhạc du dương.
Vì vậy, nếu bạn muốn kiểm soát cơn thèm ăn của mình thì hãy thử giảm ánh sáng và nghe nhạc nhẹ trong bữa ăn nhé.
6. Lợi ích của việc nghe nhạc đối với trí nhớ
Âm nhạc là ngôn ngữ của trí nhớ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy lợi ích của âm nhạc trong việc học tập và ghi nhớ là rất đáng kể.
Một nghiên cứu tìm hiểu khả năng ghi nhớ từ vựng tiếng Nhật của những người tham gia khi được nghe nhạc và cho thấy kết quả học của họ tốt hơn.
7. Âm nhạc giúp xoa dịu cơn đau
Âm nhạc không chỉ xoa dịu tâm hồn mà còn là một liệu pháp chữa các cơn đau thể chất. Được nghe loại nhạc mình thích sẽ giúp bạn giảm đau hiệu quả.
Một nghiên cứu tại trường Đại học Drexel ở Philadelphia chỉ ra rằng các liệu pháp chữa trị bằng âm nhạc giúp giảm đau hiệu quả hơn các phương pháp chữa trị tiêu chuẩn dành cho bệnh nhân ung thư.
Một nghiên cứu khác cho thấy âm nhạc giúp giảm đau cho các bệnh nhân hồi sức cấp cứu và bệnh nhân lớn tuổi, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào loại nhạc yêu thích của họ.
8. Âm nhạc giúp cải thiện bệnh Alzheimer
Một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Music & Memory đã giúp những người bị mắc bệnh Alzheimer và những bệnh liên quan đến tuổi già nhớ lại bằng cách cho họ nghe bản nhạc yêu thích. Một số người khi được nghe bản nhạc gắn với ký ức cũ của mình đã có thể nhớ lại quãng thời gian đó.
Tiến sĩ Laura Mosqueda, Giám đốc của Geriatrics tại trường Đại học California, Trường Y khoa Irvine, Mỹ giải thích rằng âm nhạc gây kích thích kéo dài cho não bộ nhưng vẫn giúp cơ thể khỏe mạnh.
Vì vậy, để có thể kết nối với người thân mắc bệnh Alzheimer hay bệnh đãng trí của người già( xem thêm:bước sang tuổi 40 cơ thể bạn sẽ biến đổi như thế nào), bạn hãy cho họ nghe những bản nhạc yêu thích nhé.
9. Âm nhạc giúp cải thiện ngôn ngữ
Một nghiên cứu tại Đại học York , Mỹ, chỉ ra rằng 90% trẻ em ở độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi, sau một tháng học nhạc (học nhịp điệu, giai điệu và giọng hát) đã có sự thay đổi trong việc thể hiện ngôn ngữ.
Nhà nghiên cứu Sylvain Moreno cho rằng việc học nhạc tạo hiệu ứng giúp nâng cao khả năng hiểu và giải thích từ ngữ của trẻ.
Một nghiên cứu khác chứng minh rằng trẻ em và phụ nữ trưởng thành được đào tạo âm nhạc có khả năng vượt trội hơn so với những người không được đào tạo.
10. Lợi ích của âm nhạc lên chỉ số IQ
Lợi ích tuyệt vời của âm nhạc đối với trẻ nhỏ là tăng chỉ số IQ. Nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ nếu học nhạc sẽ có thành tích học tập cao hơn. Vì vậy, để giúp trẻ có thành tích tốt hơn, bạn hãy khuyến khích chúng học chơi một loại nhạc cụ hay học hát nhé.
Trong một nghiên cứu đối với nhóm các trẻ 6 tuổi, các bé được học đánh đàn hay học hát có sự gia tăng chỉ số IQ đáng kể hơn những trẻ học kịch hay không học gì cả.
Lợi ích của việc nghe nhạc không chỉ có thể cải thiện tâm lý mà còn tác động cả thể chất. Không những thế, âm nhạc còn giúp bạn thêm yêu cuộc sống và thực hiện những công việc hàng ngày hiệu quả hơn đấy!