Quy định mới nhằm ngăn cản sinh viên ngoại quốc mượn cớ học tiếng ở các trường Nhật ngữ để đến Nhật làm việc toàn thời gian. Do đó, Nhật Bản đã thắt chặt điều kiện visa đối với du học sinh, những quy định này sẽ được áp dụng nghiêm ngặt hơn về thị thực sinh viên (visa du học) từ tháng 10.
Sora News24 ngày 31/8 đưa tin, trong thập kỷ qua, số lượng trường Nhật ngữ ở Nhật Bản gia tăng đáng kể. Theo Bộ Tư pháp, cả nước hiện có 711 trường chuyên dạy tiếng (khác với các đại học hay trường dạy nghề có cung cấp một phần nội dung về tiếng Nhật), gấp 1,8 lần so với năm 2008.
Rõ ràng, tất cả trường Nhật ngữ không thể tồn tại nếu số lượng sinh viên không tăng. Tuy nhiên, chính phủ lo ngại về việc liệu những sinh viên này có thực sự đến Nhật Bản để học hay không.
Người nước ngoài sử dụng thị thực sinh viên được phép làm việc tối đa 28 giờ mỗi tuần, và được tăng lên thành 8 giờ mỗi ngày trong những kỳ nghỉ của trường. Để duy trì thị thực dài hạn, sinh viên cần đáp ứng các yêu cầu nhất định về thời gian học. Theo luật hiện hành, mỗi người phải hoàn thành ít nhất 760 tiết trong một năm (mỗi tiết được định nghĩa là 45 phút giảng dạy ở lớp).
Tuy nhiên, một số trường cung cấp khóa học chuyên sâu ngắn hạn với số giờ học đặc biệt cao mỗi tuần. Bằng cách đăng ký vào các chương trình này, một số sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu 760 tiết hàng năm chỉ trong sáu tháng. Yên tâm về visa, họ không đăng ký khóa học nào khác trong năm và chuyển sang làm việc 8 giờ mỗi ngày cho đến năm học mới. Điều này có nghĩa nhiều du học sinh làm các công việc toàn thời gian trong thời gian học tiếng Nhật, khiến ranh giới giữa việc đến Nhật để học hay để làm rất mập mờ.
Từ tháng 10 năm nay, chính phủ Nhật Bản quyết tâm giải quyết lỗ hổng đó. Khi quy định mới có hiệu lực, sinh viên ở trường Nhật ngữ sẽ buộc phải ghi danh vào các lớp học ít nhất 35 tuần trong năm.
“Chúng tôi đang điều chỉnh để trả lại mục đích ban đầu cho các trường dạy tiếng, đó là nơi học sinh đăng ký để học ngôn ngữ”, phát ngôn viên của Bộ Tư pháp cho biết.
Dù vậy, Bộ Tư pháp không đổ hết trách nhiệm cho du học sinh. Cơ quan này chỉ trích các trường Nhật ngữ vì quảng bá công khai hoặc gián tiếp về những chương trình đào tạo chuyên sâu, như một cách giúp người nước ngoài tìm việc làm toàn thời gian ở Nhật mà không cần đến thị thực lao động. Bộ cũng đề cập đến khả năng một số trường dạy tiếng đóng vai trò như nhà cung cấp visa và không đưa ra những hướng dẫn thích hợp cho sinh viên.
Do đó, các quy định mới cũng bao gồm yêu cầu chặt chẽ hơn đối với công tác điều hành trường học, chẳng hạn đề nghị tuyển thêm một người đóng vai trò giám đốc của nhiều trường để giám sát hoạt động.