Chưa đầy hai tháng nữa, Hoa hậu H’Hen Niê sẽ lên đường chinh chiến tại Miss Universe.
Top 6 mẫu trang phục dân tộc gồm: Ngũ hổ (Nguyễn Đặng Thanh Nhàn), Nữ quyền (Phạm Minh Phúc), Phố cổ (Nguyễn Đình Thuận), Thăng thu (Nguyễn Đức Hải), Hoa đăng sắc Việt (Nguyễn Vũ Hùng – Thạch Thành Đạt), Bánh mì (Phạm Phước Điền). Các thí sinh đã có quãng thời gian tiến hành thực hiện và hoàn thiện sản phẩm, có những chỉnh sửa để phù hợp với Hoa hậu H’Hen Niê. Tuy nhiên, do phần lớn các thí sinh đều là nhà thiết kế không chuyên hoặc không liên quan đến lĩnh vực thời trang nên gặp không ít khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện.
Có thể thấy, một điểm chung của Top 6 trang phục dân tộc năm nay chính là góc nhìn mới mẻ về khái niệm ‘Hương sắc Việt’ qua con mắt của các nhà thiết kế không chuyên được tái hiện một cách thú vị và sinh động, thể hiện nét văn hóa, địa danh, con người và ẩm thực Việt.
Đây cũng là chủ đề chính và tiêu chí của cuộc thi Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc năm nay: ‘Vươn xa hương sắc Việt’. Theo đó, bộ trang phục dân tộc chiến thắng phải đảm bảo các yếu tố: độc đáo, sáng tạo, nghệ thuật trình diễn và truyền tải thông điệp tích cực về văn hóa Việt Nam – Vươn xa hương sắc Việt đến bạn bè quốc tế.
Hoa đăng sắc Việt – Nguyễn Vũ Hùng, Thạch Thành Đạt
Trong Top 6, ‘Hoa đăng sắc Việt’ của bộ đôi Nguyễn Vũ Hùng – Thạch Thành Đạt được chỉnh sửa nhiều nhất theo cảm hứng văn hóa Êđê sau khi H’Hen Niê đăng quang hoa hậu. Quyết định thay đổi thiết kế so với bản vẽ ban đầu, bộ đôi cho biết chính Hoa hậu H’Hen Niê đã ‘thổi hồn’ vào bộ trang phục này. Với những họa tiết đặc trưng và chiếc gùi truyền thống của người Êđê, ‘Hoa đăng sắc Việt’ gây ấn tượng bằng nét mộc mạc, gần gũi và màu vàng rực rỡ vô cùng hợp với H’Hen Niê.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện trang phục, bộ đôi cho biết phần váy form dáng lồng đèn đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao nên mất khá nhiều thời gian vì bản thân họ không phải là người chuyên về thiết kế. Ngoài ra, NTK Thuận Việt cũng góp ý về phần đuôi váy phía sau nên được dệt thủ công sẽ mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao và chỉnh phông váy phần dưới ôm sát để tôn dáng Hen hơn.
Ngũ hổ – Nguyễn Đặng Thanh Nhàn
Lấy ý tưởng từ tranh thờ Ngũ hổ của dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội) – một dòng tranh dân gian lâu đời của người Việt Nam, thí sinh Thanh Nhàn mong muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa này với bạn bè quốc tế. Điểm nhấn của trang phục là phần thêu tay hình con hổ khá cầu kỳ và tinh tế, chứng tỏ thí sinh đã đầu tư rất nhiều thời gian, sự tỉ mĩ và nghiên cứu kỹ về ý nghĩa tranh thờ Ngũ hổ.
Hoa hậu H’Hen Niê và NTK Thuận Việt khen màu sắc trang phục khi hoàn thành đẹp và hiệu ứng hơn so với bản vẽ. Gửi gắm thông điệp về sự mạnh mẽ, bản lĩnh như Ngũ hổ, thí sinh Thanh Nhàn muốn làm nổi bật cá tính của Hoa hậu H’Hen Niê – một người phụ nữ hiện đại, đầy uy quyền và giàu tính truyền thống. Bộ trang phục được góp ý nên chỉnh chân váy cho ngắn hơn để khoe được hình thể của H’Hen Niê.
Nữ quyền – Phạm Minh Phúc
Ấn tượng ngay từ tên gọi, ‘Nữ quyền’ của thí sinh Phạm Minh Phúc khai thác hình ảnh Rồng thời Nguyễn làm chủ đề chính cho bộ trang phục. Rồng tượng trưng cho sự mạnh mẽ, quyền lực – uốn lượn theo bộ trang phục tạo sự uyển chuyển nhưng không kém phần lộng lẫy, kết hợp cùng áo tứ thân truyền thống Bắc bộ và nón quai thao. Toàn bộ phụ kiện đính kèm đều do tự tay thí sinh làm.
Điểm khó của bộ trang phục chính là phần nón vì H’Hen Niê phải chịu phần lực dồn xuống, nếu không biết cách giữ thân bằng sẽ khó di chuyển. Ngoài ra, hình ảnh Rồng uốn lượn cũng là một thử thách với thí sinh Minh Phúc vì anh từng thử đặt Rồng vào trang phục nhưng quá nặng và không thể di chuyển được.
Bánh mì – Phạm Phước Điền
Lần đầu tiên, một món ăn Việt Nam được tái hiện và sáng tạo thành một bộ trang phục dân tộc, Bánh mì của Phạm Phước Điền ngay từ vòng nộp hồ sơ đã gây sốt với khán giả. Được đánh giá cao về tính đột phá ý tưởng nhưng Bánh mì khiến nhiều người băn khoăn vì không biết thí sinh Phước Điền có thể hiện trọn vẹn ý tưởng từ bản vẽ thành sản phẩm hay không.
Màu bánh mì và nhân bánh là hai yếu tố gây khó khăn nhất cho thí sinh, phải đảm bảo giống thật và mang tính thẩm mỹ. Khi diện trang phục lên người, Hoa hậu H’Hen Niê góp ý ‘Cái khung này mình có thể thay cái gì đó nhẹ hơn được không? Tại vì nó đang nằm ở xương chậu’ và khiến cô hơi gù lưng khi di chuyển. Dù vậy, Hoa hậu H’Hen Niê tỏ ra vô cùng thích thú khi ‘đóng’ vai cô gái bán bánh mì.
Phố cổ – Nguyễn Đình Thuận
Đưa không gian văn hóa Hội An vào bộ trang phục với lồng đèn, chùa Cầu, thí sinh Nguyễn Đình Thuận có thiết kế “khủng” nhất trong Top 6. Sử dụng tông chủ đạo màu đen nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp về đêm của Hội An, ‘Phố cổ’ gợi tả sự huyền bí, cổ kính và sự yên tĩnh đúng với phong cách người dân phố cổ. Phần mấn và những chiếc lồng đèn góp phần tô điểm màu sắc trên tổng thể màu đen, tạo hiệu quả thẩm mỹ và giải trí cho người nhìn, giúp Hoa hậu H’Hen Niê không bị mất hút trên sân khấu.
Tuy ‘cồng kềnh’, to lớn là thế, nhưng chất liệu sử dụng lại vô cùng nhẹ, giảm trọng lượng phần ‘phố cổ’ đeo trên lưng, không gây khó khăn khi di chuyển. NTK Thuận Việt đánh giá cao ý nghĩa của trang phục và sự lộng lẫy đảm bảo không bị lép vế khi đứng cạnh các nước khác.
Thăng thu – Nguyễn Đức Hải
Dựa vào cảm hứng lồng đèn truyền thống trung thu, thí sinh Nguyễn Đức Hải sử dụng áo yếm ánh vàng tượng trưng cho mặt trăng, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam: dịu dàng, đằm thắm. Để thực hiện trang phục, thí sinh Đức Hải gặp khó khăn về chất liệu của lồng đèn dễ bị rách khi di chuyển và phần nón quai thao cách điệu khá nặng.
Ấn tượng về sự tinh tế của những chiếc lồng đèn kết trên nón, nhưng NTK Thuận Việt góp ý nên thay đổi kích thước lồng đèn để giảm tải sức nặng cho người mặc. Điều này được chứng minh khi H’Hen Niê thử đội chiếc nón và khó di chuyển. Đây cũng là khuyết điểm chung của phần lớn các thiết kế trong Top 6.
Sau khi gặp hết Top 6 trang phục dân tộc, Hoa hậu H’Hen Niê cảm nhận rõ nhiệt huyết, đam mê và sự cố gắng của các thí sinh. Không đơn thuần chỉ là một bộ trang phục dân tộc, đó còn là niềm tự hào của Việt Nam khi giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, phong tục, du lịch và ẩm thực đến với bạn bè quốc tế. Từng bộ trang phục được thể hiện công phu, giàu ý nghĩa, chứng tỏ sức sáng tạo không ngừng của những người trẻ – góp phần vươn xa hương sắc Việt, khẳng định vị trí và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Bộ trang phục dân tộc nào sẽ cùng Hen chinh chiến Miss Universe 2018? Câu trả lời sẽ được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên khán giả cũng chính là những người trực tiếp quyết định đến kết quả cuối cùng bằng cách bầu chọn bộ trang phục phù hợp nhất với Hoa hậu H’Hen Niê. 40% điểm số chung cuộc đến từ khán giả, cùng với 60% điểm số của ban giám khảo, sẽ quyết định bộ trang phục nào tiếp nối sứ mệnh quảng bá hương sắc Việt ra thế giới.