Trong các bệnh lý về gan, Ung thư gan được xếp vào loại nguy hiểm nhất. Các bác sĩ đã chỉ ra rằng hiện nay ung thư gan đứng đầu nhóm ung thư gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam. Việc tầm soát bệnh gan sớm và định kỳ là cách tốt nhất để chủ động đối phó các bệnh lý gan mật, giúp giảm thiểu biến chứng xơ gan, ung thư gan, bảo vệ sức khỏe và tính mạng kịp thời trước khi có những diễn biến xấu.
1. Các bệnh lý nguy hiểm về gan
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể, trọng lượng khoảng 1.4 – 1.6 kg (ở người trưởng thành), nằm ở góc phần tư trên – bên phải vùng bụng. Gan được xem là “nhà máy kỳ diệu” của con người, đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng khác nhau: tổng hợp và chuyển hóa các chất, thanh lọc máu, khử độc, dự trữ năng lượng và vitamin, sinh tổng hợp albumin, tạo áp lực keo của huyết tương giúp ổn định tuần hoàn máu…
Bệnh gan được hiểu đơn giản là các bệnh làm tổn thương gan, phá hủy cấu trúc gan, khiến chức năng gan bị suy giảm. Các bệnh lý phổ biến về gan:
Suy gan: là tình trạng gan không đảm bảo chức năng như bình thường, được chia làm hai loại suy gan cấp và suy gan mạn. Suy gan cấp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: dùng quá liều paracetamol hoặc một số thuốc không kê đơn, nhiễm virus viêm gan A, B hoặc C, chất độc, một số bệnh tự miễn. Suy gan mạn thường là hậu quả của xơ gan hoặc các bệnh liên quan đến rượu. Đây là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm và cần điều trị ngay lập tức.
Viêm gan siêu vi: là tình trạng viêm gan nguyên phát do một số siêu vi đặc hiệu gây bệnh ở gan. Có 5 loại virus siêu vi gây nên các bệnh gan thường gặp là: viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D, viêm gan E.
Gan nhiễm mỡ: là hiện tượng mỡ tích tụ trong gan chiếm quá 5% trọng lượng của gan. Khi đó, gan không đào thải được chất độc cũng như sản xuất mật cho hệ tiêu hóa, dẫn đến những vấn đề khác. 20% trường hợp gan nhiễm mỡ chuyển thành trạng thái tổn thương không hồi phục như xơ gan, ung thư gan. Căn bệnh này thường kết hợp với các bệnh rối loạn chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp…
Viêm gan tự miễn: là bệnh lý về gan mạn tính nguy hiểm, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công và hủy hoại tế bào gan. Bệnh chủ yếu ở nữ (khoảng 70%), thường gặp ở người trẻ tuổi, nhưng cũng có trường hợp ở những người 50 – 60 tuổi.
Áp xe gan: là sự mưng mủ trong tổ chức gan, ổ mủ có thể to hoặc nhỏ, đơn độc hoặc nhiều ổ mủ khác nhau. Bệnh do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng tấn công gan, gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc tế bào gan.
Xơ gan ứ mật: dùng để chỉ tình trạng các ống dẫn mật trong gan bị viêm nhiễm và tắc nghẽn, dịch mật không được lưu thông, khiến sắc tố mật bilirubin trong dịch mật tích tụ, gây vàng da, xơ gan và suy gan.
Ung thư gan: là tình trạng các tế bào ác tính phát sinh từ các mô trong gan. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng như di căn qua phổi, xương, não, khoang ngực, có tiên lượng vô cùng xấu. Hầu hết những người phát hiện ra bệnh thường chỉ sống được từ 3 – 6 tháng, khoảng 1% có thể sống đến 5 năm.
2. Vì sao nên thực hiện tầm soát bệnh gan?
Bệnh gan tại Việt Nam đang thực sự rơi vào ngưỡng báo động đỏ với những con số thống kê đáng sợ:
21 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C.
8 triệu người đang bị viêm gan, xơ gan và ung thư gan.
22.000 người tử vong mỗi năm vì ung thư gan.
60-200 triệu là chi phí 1 bệnh nhân chữa trị viêm gan trong 1 năm.
Độ tuổi dễ bị nhiễm nhất từ 5-14 tuổi và 25-54 tuổi.
Gan tổn thương bởi nhiều nguyên nhân thường gặp trong cuộc sống hàng ngày như:
Uống rượu, bia, hút thuốc lá.
Bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan, vi khuẫn, ký sinh trùng.
Độc tố ô nhiễm môi trường (thực phẩm, dung môi, hóa chất…).
Bệnh đái tháo đường.
Mất cân bằng dinh dưỡng (quá dư hoặc quá suy kiệt năng lượng).
Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
Các bệnh lý về gan thường diễn ra âm thầm nhưng để lại hậu quả nặng nề, đe dọa tính mạng nếu phát hiện muộn. Việc tầm soát định kỳ giúp phát hiện sớm để theo dõi, có hướng điều trị đúng, nhằm hạn chế và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
3. Đối tượng nên tầm soát bệnh gan định kỳ
Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về gan, đặc biệt xơ gan, ung thư gan.
Người mắc bệnh viêm gan B, viêm gan C mãn tính nên tầm soát ung thư gan định kỳ.
Người thường xuyên uống rượu, bia, hút thuốc lá.
Người mắc bệnh tiểu đường và thừa cân, béo phì.
Người gặp stress, căng thẳng kéo dài.
4. Tầm soát bệnh gan bao gồm những gì?
Bệnh gan thường được chẩn đoán thông qua những lần khám sức khỏe định kỳ. Cách tốt nhất để kiểm tra viêm gan là xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ cho bác sĩ biết tình trạng và chức năng gan của bạn.
Các xét nghiệm này chủ yếu bao gồm:
(ALT), (AST) và (ALP) – đây là những enzyme sản xuất bởi gan. Quá nhiều những enzyme này có nghĩa là gan đang tổn thương, gan bị viêm.
Khi nồng độ của ALT và AST: tăng dưới 100 UI/L liên quan các bệnh viêm gan virus, xơ gan, di căn gan, gan nhiễm mỡ, tăng dưới 300 UI/L thường gặp viêm gan do rượu, tăng trên 3000 UI/L liên quan viêm gan virus cấp hoặc mãn tính, tổn thương gan do nhiễm độc hoặc do thuốc.
Ở người bình thường, nồng độ ALP khoảng 25 – 85 U/L, nếu kết quả nồng độ ALP tăng gấp 2 lần bình thường có thể liên quan các bệnh về xơ gan, viêm gan.
Bilirubin – nồng độ trong máu của bilirubin sẽ tăng trong bệnh gan.
Albumin và protein (TP) – nồng độ hai chất này bình thường trong máu cho thấy gan vẫn còn đảm bảo chức năng.
Tầm soát viêm gan siêu vi B (HBSAG, ANTI-HBS), tầm soát viêm gan siêu vi C (ANTI-HCV).
Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư gan AFP: Ở người bình thường, nồng độ AFP <25 UI/ml, ở bệnh nhân ung thư gan có nồng độ AFP cao. Khoảng 80% người bệnh ung thư gan có AFP > 25 UI/ml, khoảng 60% bệnh nhân ung thư gan có nồng độ AFP > 100 UI/ml và khoảng 50% bệnh nhân ung thư gan có nồng độ AFP > 300 UI/ml.
Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ có thể hỏi về tiền sử sức khỏe, đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, chẩn đoán bệnh lý về gan thông qua khám bệnh và phát hiện ra các triệu chứng như vàng da, vàng mắt. Một phương pháp chẩn đoán khác cũng được chỉ định các gói tầm soát bệnh gan phổ biến là siêu âm bụng kiểm tra và phát hiện sớm các bất thường vùng bụng.
5. Những lưu ý trước khi xét nghiệm và tầm soát bệnh gan
Không ăn ít nhất 6 tiếng trước khi xét nghiệm. Nên xét nghiệm vào buổi sáng cho kết quả chính xác nhất.
Không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào (thuốc kháng sinh, thuốc điều trị…) vì việc dùng thuốc làm tăng chỉ số trong xét nghiệm chức năng gan.
Không sử dụng đồ uống chứa cồn hoặc chất kích thích như: trà, cà phê, uống rượu, bia, hút thuốc lá… ít nhất 4 giờ đồng hồ trước khi xét nghiệm chức năng gan.
Uống 500ml nước lọc khoảng 1 giờ trước khi siêu âm.
Cần trả lời trung thực các câu hỏi của bác sĩ liên quan đến tình trạng sức khỏe để điều trị ung thư gan hiệu quả.